Ngày 3/7, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã ban hành công văn thông báo về lộ trình dừng công nghệ di động 2G tại Việt Nam. Theo đó, lộ trình này sẽ kéo dài trong khoảng thời gian 2 năm.
Cụ thể, từ ngày 16/9 sắp tới, mạng 2G sẽ không còn được cung cấp cho thiết bị đầu cuối thuê bao chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G only), trừ một số trường hợp phục vụ cho các mục đích đặc biệt tại khu vực quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa và nhà giàn DK.
Bộ TT&TT cũng cho biết sẽ không cấp phép lại việc sử dụng các băng tần 900/1800MHz nếu doanh nghiệp không có phương án đảm bảo không còn thuê bao sử dụng thiết bị đầu cuối chỉ hỗ trợ tiêu chuẩn GSM (2G only) hoạt động trên mạng từ ngày 16/9. Quá trình chuyển đổi trên sẽ kéo dài đến hết ngày 15/9/2026. Sau khoảng thời gian này, hệ thống 2G sẽ dừng hoạt động trên phạm vi toàn quốc. "Doanh nghiệp viễn thông cần phát triển các trạm thu phát sóng di động đảm bảo vùng phủ mạng 4G thay thế mạng 2G khi dừng hệ thống 2G và hoàn thành trước tháng 9/2026", Bộ TT&TT cho biết.
Để đảm bảo quá trình chuyển đổi diễn ra suôn sẻ, Bộ TT&TT cũng yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện chương trình hỗ trợ kinh phí mua máy smartphone 4G hoặc điện thoại feature phone 4G, đồng thời ban hành các gói cước hỗ trợ thuê bao chuyển đổi đến ngày 16/9.
Trước đó, từ ngày 1/3, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cùng các doanh nghiệp viễn thông di động đã triển khai giải pháp kiểm soát, ngăn chặn các máy điện thoại di động chỉ hỗ trợ công nghệ 2G (2G only) không hợp quy kết nối vào mạng viễn thông di động.
Đây được xem là một động thái mạnh tay từ Bộ TT&TT nhằm ngăn chặn điện thoại 2G nhập lậu vào thị trường Việt Nam, hướng tới ngừng hoàn toàn việc hỗ trợ điện thoại 2G trong tương lai gần. Động thái trên cũng thúc đẩy người dân dần dịch chuyển qua các thiết bị 4G thế hệ mới.
Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam vẫn còn hơn 15 triệu thuê bao 2G. Để thúc đẩy chuyển đổi sang 4G, Bộ TT&TT đã phối hợp với các nhà mạng, chính quyền địa phương triển khai nhiều giải pháp cùng với các nhà mạng để hỗ trợ cho người dân thực hiện chuyển đổi. Trong đó, Quỹ Viễn thông công ích sẽ dành kinh phí hỗ trợ cho thuê bao là hộ nghèo, vùng sâu, vùng xa chuyển đổi thiết bị từ 2G sang 4G với khoảng 400.000 máy. Quỹ đang thực hiện thống kê các hộ dân thuộc diện cần hỗ trợ.
Tại tọa đàm "Tắt sóng 2G, đưa người dân trên môi trường số" diễn ra vào tháng 12/2023, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, khẳng định rằng một nhà mạng không thể cùng lúc tồn tại công nghệ 2G, 3G, 4G, 5G. Việc dừng công nghệ 2G là rất cần thiết.
"Các nhà mạng cần có những thống kê từ các quận, huyện ở mọi khu vực trên cả nước, từ đó đưa ra phương án hỗ trợ người dùng ở một số vùng khó khăn chuyển sang công nghệ mới. Bộ TT&TT phối hợp cùng chính quyền địa phương, huy động nguồn hỗ trợ từ việc xã hội hóa để giúp đỡ người dân thuộc diện trong chính sách có thể chuyển đổi sang 4G một cách đồng bộ", ông Nhã chia sẻ.
Việc lựa chọn phương án tắt sóng 2G để thúc đẩy thực hiện mục tiêu trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó, chương trình đặt mục tiêu phổ cập mạng di động 4G/5G và điện thoại thông minh (smartphone) đến từng người dân Việt Nam. Đây sẽ là cuộc cách mạng để thúc đẩy chính phủ điện tử, kinh tế số, xã hội số… một cách nhanh chóng và cũng là động lực quan trọng đưa Việt Nam phát triển nhanh, mạnh hơn.
Việc 100% người dân sử dụng smartphone sẽ thúc đẩy những dịch vụ số phong phú hơn, dịch vụ dữ liệu được sử dụng nhiều hơn, nhà mạng có thêm doanh thu và cơ hội phát triển mới.
Trong 2 năm qua, nhà mạng VNPT đã chủ động tắt các trạm riêng lẻ không phát sinh hoặc phát sinh rất ít lưu lượng. Doanh nghiệp đã kết hợp cả hoạt động kỹ thuật cũng như tuyên truyền cho thuê bao trong khu vực và tiến hành tắt sóng khoảng 10% trạm riêng 2G.
Viettel cũng sẵn sàng cho việc tắt 2G. Ông Nguyễn Trọng Tính, Phó Tổng Giám đốc Viettel Telecom cho biết, mục tiêu hết năm 2024, Viettel sẽ dịch chuyển các thuê bao 2G còn lại, và chỉ đến khi nào tỷ lệ này còn dưới 5% thì mới tắt trạm phát sóng được. Viettel cũng sẽ đảm bảo việc phủ sóng 4G lên tất cả khu vực của Viettel, bao gồm vùng sâu vùng xa, biên giới hải đảo.
Trong khi đó, ông Lê Mai Sơn, Phó ban Truyền thông nhà mạng Mobifone, cho rằng để tiến tới việc tắt sóng 2G hoàn toàn, các nhà mạng cần thực hiện đồng bộ toàn xã hội, để đưa kế hoạch này trở thành một chiến dịch để người dân hiểu được đây là một sự nâng cấp, thay vì loại bỏ.
Nguồn: Dân trí